Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19
Sáng ngày 10/12/2021, Chính phủ tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Lý Nhân có đồng chí Trần Đức Thuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Lý Nhân.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Lý Nhân
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình dịch được kiểm soát trên toàn quốc, kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc có xu hướng tăng, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng; trong khi nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập lây lan cao... Cuộc họp trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá tình hình, phân tích các nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp mục tiêu cho thời gian tới, trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo quốc gia và các ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã thống nhất cách làm, mục tiêu, lộ trình thực hiện, triển khai các giải pháp một cách chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, phù hợp, hiệu quả.

Đồng chí Trần Đức Thuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng BCĐ phòng chống dịch Covid-19 huyện Lý Nhân báo cáo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lý Nhân với BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vắc xin do thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới. Bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận về tình hình, nguyên nhân của diễn biến dịch Covid-19 thời gian vừa qua; hiệu quả sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP; tầm quan trọng của vaccine và tình hình phân bổ vaccine, tiến độ tiêm vaccine, giải pháp thúc đẩy tiêm vaccine; nhu cầu, khả năng đáp ứng thuốc điều trị Covid-19; ý thức phòng, chống dịch của người dân; tình hình mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh... Lãnh đạo các địa phương cũng đã trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kiểm soát, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là những giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Lý Nhân
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của BCĐ phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NC-CP của Chính phủ, nước ta đã hoàn thiện biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính là cách ly, xét nghiệm, điều trị và công thức "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác"; tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tình hình kinh tế - xã hội đang được phục hồi. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Trong thời gian tới diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, đặc biệt, chủng virus Omicron đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia và có thể xuất hiện thêm các biến chủng mới. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ dịch, giảm tối đa ca mắc, ca chuyển nặng và tử vong do Covid-19. Phấn đấu đến ngày 15/12/2021, chậm nhất đến hết tháng 12/2021 hoàn thành tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; khẩn trương tiêm vắc xin mũi 3 cho tất cả các đối tượng cần thiết như lực lượng tuyến đầu chống dịch và người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền; phấn đấu đến 31/1/2022 tiêm đủ 2 mũi vaccine cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, Thủ tướng giao bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nước để triển khai. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, song không hốt hoảng, mất bình tĩnh trong công tác phòng, chống dịch. Kiên định quan điểm người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Thực hiện nhất quán, tổng thể, liên thông trên toàn quốc Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Các ngành, địa phương kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột và công thức đã được xác định. Ngoài tính toán nhập khẩu, phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước, đảm bảo an toàn, hợp lý, hiệu quả, trên tin thần, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu về vắc xin, thuốc điều trị và nhân lực tiêm vắc xin để Chính phủ có phương án phân bổ, điều chuyển, hỗ trợ; cân đối nguồn lực để tăng cường cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; rà soát và thực hiện an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ; khôi phục thị trường lao động. Chủ động đề xuất chế độ, chính sách đối với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; xây dựng lộ trình mở lại các đường bay quốc tế đảm bảo an toàn; chủ động tuyên truyền để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch…. Đối với các đề xuất của các địa phương, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan tổng hợp, hướng dẫn, giải quyết và báo cáo Thủ tướng xem xét trên tinh thần chung là tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh tiêu cực, lãng phí.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Lý Nhân
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Hà Nam cũng tiến hành thảo luận về công tác chuẩn bị cho việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân. Theo đó, ngoài 3 đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ gồm: lực lượng tuyến đầu chống dịch, người trên 50 tuổi và người mắc các bệnh lý nền, tỉnh Hà Nam có thêm 2 đối tượng là người làm việc trong các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh doanh buôn bán tập trung đông người.
Ban Biên tập