Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch Covid -19 gây ra. Dịch bệnh đã tác động ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; làm ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, từ cung đến cầu; sản xuất đến tiêu dùng… Tuy nhiên, đáng ghi nhận là có nhiều DN, HTX, hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ, siêu nhỏ… nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, đối phó tốt với khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cho rằng, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh được kiểm soát, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ: Các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%. Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công” là:  Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tác động của dịch Covid -19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đại dịch Covid -19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh chung cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch và là mức tăng cao so với bình quân của khu vực. Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: thu ngân sách Nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc do đại dịch gây ra; nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch. Cụ thể, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh ở cả phía cung và cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinhh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế… Đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương cũng đã làm rõ những quy định về: thể chế, cơ chế, tiền tệ, thuế, phí, lệ phí… nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể, Bộ Tài chính nói về giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trình bày về giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; Văn phòng Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến việc dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề cập đến những mục tiêu, định hướng lớn. Đó là xác định Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại và khẳng định những khó khăn của đại dịch Covid-19 sẽ không làm thay đổi tầm nhìn, định hướng, mục tiêu này. Thủ tướng nhấn mạnh: Đội ngũ DN chính là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế. Mặc dù đang phải chịu tác động lớn từ đại dịch Covid – 19 nhưng các DN không được ỷ lại mà phải chủ động tái cơ cấu, tìm hướng đi mới để phát triển bền vững. Thủ tướng đề nghị cộng đồng DN, doanh nhân trước hết phải là yêu Tổ quốc, cụ thể là cần thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Thứ hai là không lãng phí, phải năng động quyết đoán, vì nếu thụ động là tự đánh mất cơ hội. Cùng với đó phải sáng tạo, để không bị tụt lại. Ngoài ra, cần có niềm tin, để không tự mình chối bỏ mình. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến DN và những người lao động yếu thế, nhất là DN nhỏ và vừa; có các giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương mình để tháo gỡ khó khăn cho DN với tinh thần: dám nghĩ, dám làm, đổi mới phát triển…

Nguyễn Oanh