Công bố chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước
Sáng ngày 19/5/2020, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Công bố Chỉ số CCHC năm 2019 (PAR INDEX 2019) của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 (SIPAS 2019). Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố…

chinh-r.jpg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Theo báo cáo tại hội nghị, kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị:  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018. Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC có giá trị tăng cao nhất là 7,06%, cho thấy các bộ, ngành đã tập trung triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, tuyên truyền CCHC, nâng cao chất lượng công tác ban hành kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch CCHC đã ban hành. Tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện quá hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã giảm đáng kể. Có 09/17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt tỷ lệ 100% số điểm tại chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 có giá trị trung bình đạt  81,15%, kết quả cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Đáng chú ý, trong năm 2019 không có địa phương đạt kết quả dưới 70% và khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng năm 2019 là 16,22%, thu hẹp đáng kể so với năm 2017 (29.76%), năm 2018 là 19,53%.

Kết quả chỉ số CCHC năm 2019 đã phản ánh sát thực tiễn kết quả triển khai nhiệm vụ CCHC diễn ra tại các Bộ, địa phương, thể hiện sự tiến bộ, tích cực trong cả 06 nội dung CCHC mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được. Tuy nhiên, công tác CCHC của các Bộ và các địa phương còn tồn tại nhiều hạn chế: Một số bộ vẫn còn tình trạng hẹn trễ trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), kết quả điểm khảo sát các đối tượng đánh giá chất lượng TTHC thuộc phạm vi quản lý của một số bộ chưa cao. Đối với các địa phương, ở một số tỉnh, thành phố việc xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức chưa đúng với vị trí việc làm đã phê duyệt hoặc chưa hoàn thành Đề án vị trí việc làm theo quy định; Tỷ lệ giảm biên chế còn thấp, chưa đạt yêu cầu; chưa kịp thời công bố, cập nhật TTHC theo quy định…

Báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019), tỉ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) nói chung là 84,45%; hài lòng với sự phục vụ của cơ quan HCNN của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 73,81-95,26%.

Năm yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ Chỉ số SIPAS 2019, gồm: (1) tiếp cận dịch vụ, (2) thủ tục hành chính, (3) công chức, (4) kết quả dịch vụ, (5) việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước lần lượt là: 86,48%, 87,39%, 85,91%, 89,63% và 74,04%.

Cả nước có 10 tỉnh, thành phố có chỉ số SIPAS 2019 chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh đạt mức trung bình, 27 tỉnh khá, 06 tỉnh tốt. So sánh với năm 2018, cả nước có 41 tỉnh có chỉ số SIPAS 2019 tăng, 22 tỉnh giảm… Nhìn chung, nhận thức về việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong đội ngũ lãnh đạo công chức ở các địa phương đã được nâng lên.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực CCHC của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho rằng: Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCHC, chưa thể hiện vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy nhiệm vụ cải CCHC, chưa tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của bộ máy HCNN.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ kết quả Chỉ số PAR INDEX 2019, kiểm điểm lại việc thực hiện công tác CCHC thời gian qua, đề ra các biện pháp khắc phục; khuyến khích, nhân rộng cách làm mới, mô hình hay tạo động lực thúc đẩy CCHC. Phải sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số SIPAS 2019 trong chỉ đạo, điều hành CCHC tại bộ, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức, nhất là trong tình hình hiện nay, đất nước đã và đang trải qua đại dịch Covid-19, có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

20200519_113328.jpg
Ông  Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trọng tâm là rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các thủ tục hành chính đang là rào cản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương, qua đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân; phải đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu, ngay sau hội nghị này, các bộ, ngành trung ương và địa phương phải bắt tay ngay thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CCHC năm 2020 một cách quyết liệt, hiệu quả góp phần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi Việt Nam đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế xã hội năm 2020, tạo tiền đề, sức bật cho giai đoạn phát triển mới của đất nước./.

Nguần : Báo https://hanam.gov.vn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập