Đền Trần Thương Di tích và Lễ hội
Trần Thương là mảnh đất địa linh, trù phú như câu ca truyền đời “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương” và câu thơ khắc ghi trên bức châm tại đền: “Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” nghĩa  là đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân. Trước đây, Trần Thương là trung tâm “Lục khê đầu” nghĩa là sáu khe nước. Từ đây có thể ngược sông Hồng đi Thăng Long rồi ra biển, qua sông Hồng về phía Đông khoảng 3km là khu Tam Đường của huyện Hưng Hà, Thái Bình, nơi đặt lăng mộ của nhà Trần, về phía Nam khoảng 20 km là đền Trần - chùa Tháp của Nam Định.
 
10
Toàn cảnh đền Trần Thương huyện Lý Nhân.
 
Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, nay là xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đền là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật, tâm linh, lâu nay được nhiều người biết tiếng. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. 
Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về, Ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như: Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật… những tên cổ gắn với việc đồn trú của quân đội nhà Trần. Trong số các di tích thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương trên đất Hà Nam và cả nước, đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn, Ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng” “Ngũ mã thất tinh”, được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng…Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng. Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời…Tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian. Đồ thờ, cổ thư của ngôi đền cũng rất phong phú, quý hiếm. Đặc biệt là pho tượng Đức Thánh Trần trong ban thờ hậu cung với vẻ mặt uy nghiêm của một vị “Thánh” nhân, nhưng vẫn nở nụ cười bao dung, đôn hậu. Tổng thể kiến trúc, cảnh quan đền Trần Thương đã gợi lên bóng dáng phủ đệ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Ngày 23/12/2015, Đền Trần Thương  được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
 
1
Đoàn rước kiệu Thánh trong dịp Lễ hội 2022.
 
3
Đoàn rước kiệu Thánh trong dịp Lễ hội 2022.
 
“Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Từ bao đời nay, nơi đây cùng các địa phương thờ Trần Hưng Đạo, mở hội vào dịp trung tuần tháng 8 (âm lịch), đặc biệt là ngày 20 tháng 8, ngày Đại vương qua đời. Dân gian có câu: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Vào ngày lễ hội, từ Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương đến đền Trần Thương, Lý Nhân, Hà Nam về đến Bảo Lộc -Nam Định khách hành hương theo lộ trình chiêm bái, tôn vinh người anh hùng dân tộc, đã được truy tôn là bậc  “Thánh”,  ban những điều tốt lành, mong làm việc thiện. Đền Trần Thương hàng năm mở hội từ 18 đến 20 tháng 8 (âm lịch) thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo. Các nghi thức này vừa mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, “Phong đăng, hòa cốc”, “Quốc thái dân an”, nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đặc biệt từ năm Canh dần (2010), UBND tỉnh Hà Nam quyết định tổ chức Lễ phát lương đền Trần Thương trên quy mô lớn vào dịp Rằm tháng Giêng âm lịch. Lễ hội phát lương đầu năm tại Đền Trần Thương nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đặc biệt là thời Trần, để động viên nhân dân phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, bước vào năm mới mọi người hăng say lao động, học tập, công tác. Năm 2017, Lễ hội đền Trần Thương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
0
Cảnh đền Trần Thương.
 
5
Giải cờ tướng tại Lễ hội 2022.
 
 Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2023 dự kiến được tổ chức từ ngày 30/9 - 4/10/2023, tức ngày 16 - 20/8 âm lịch. Lễ hội năm nay sẽ diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ xin Đức Thánh Trần cho nhân dân mở cửa Đền và tổ chức lễ hội; Lễ tế, kính Thánh của các đoàn và nhân dân địa phương; thả đèn hoa đăng tại hồ Trần Thương; lễ tâm linh ngày kỵ nhật của Đức Thánh Trần... Điểm mới của lễ hội năm nay, Ban Tổ chức sẽ tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Đền Trần Thương năm 2023 (vào tối ngày 30/9, tức ngày 16/8 âm lịch) với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh những nghi Lễ tâm linh, trong Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động Văn hóa, Văn nghệ, Thể thao như: Hội thi “em yêu lịch sử Quê hương”; Đêm hội Trần thương, thi nấu cỗ cúng Thánh và tổ chức giải cờ tướng, kéo co và các trò chơi dân gian.…Việc tổ chức Lễ hội nhằm giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tinh thần tự lực tự cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá và nâng cao vị thế của di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương đến với nhân dân và du khách thập phương./.

Ban biên tập.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập