Tự hào Lý Nhân hôm nay
Trong tiềm thức của người dân Lý Nhân còn nhớ cách đây 79 năm, cùng với thắng lợi của Nhân dân cả nước, Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc nổi dậy lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ của quân và dân Lý Nhân, góp phần làm cho ý nghĩa và tầm vóc của cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở nên hết sức vĩ đại trong lịch sử của dân tộc.
     Ở huyện Lý Nhân, ngày ấy mặc dù mới được thành lập Chi bộ Đảng, số Đảng viên còn mỏng, song các Đảng viên luôn tận dụng thời cơ, thời điểm lãnh đạo Nhân dân giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê nin và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta. Trước những thuận lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân biểu tình - mít tinh ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tại Mạc Thượng - Mạc Hạ. Lãnh đạo Nhân dân trong huyện đổ về Nga Khê - Nga Thượng, cướp chính quyền thực dân - nửa phong kiến. Theo kế hoạch, Uỷ Ban quân sự cách mạng chỉ huy một đội tự vệ có vũ trang tiến ra đê để bắt tên Huyện trưởng, mặt khác cử cán bộ cấp tốc về các làng, xã huy động lực lượng tiến về chiếm huyện lỵ. Trước thế tiến công của quân dân huyện Lý Nhân vào hồi 7 giờ sáng ngày 20/8/1945, tại điếm canh Vũ Điện, tên Huyện Côn cùng 14 tên lính cơ đã dâng súng đầu hàng. Với khí thế cách mạng, từ khắp các ngả, lớp lớp từng đoàn người kéo lên áp giải Huyện trưởng, tất cả hợp thành đoàn biểu tình có vũ trang bằng gươm, giáo, mác, gậy… hùng dũng tiến về phố huyện. Trước sức mạnh áp đảo của lực lượng cách mạng, quân Nhật phải trao quyền kiểm soát các kho thóc cứu đói cho dân. Đến 10 giờ sáng ngày 20/8/1945, quân và dân Lý Nhân đã làm chủ huyện lỵ, thu súng và toàn bộ giấy tờ, sổ sách, dấu triện… thành lập chính quyền cách mạng Nhân dân đầu tiên của huyện nhà.
     Từ ngày cách mạng thành công, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ Lý Nhân đã trưởng thành nhanh chóng, đủ sức lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù để bảo vệ chính quyền cách mạng và cùng cả dân tộc tiến hành các cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt. Suốt những năm tháng chiến tranh đó, Đảng bộ Lý Nhân đã lãnh đạo nhân dân xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, tăng cường khối đoàn kết, cùng với nhân dân cả nước từng bước làm thất bại âm mưu của kẻ thù.
     Ngày nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần cầu thị, vận dụng sáng tạo chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Đảng bộ tỉnh Hà Nam, Đảng bộ huyện Lý Nhân đã đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân huyện nhà khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương hoàn thành thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị của huyện đề ra. Từ một huyện thuần nông, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, giờ đây, huyện Lý Nhân được quy hoạch là cực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phía đông của tỉnh Hà Nam. Các thế hệ người dân Lý Nhân hôm nay không ngừng lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhất là về công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Lý Nhân đã hoàn thành xuất sắc chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2019 huyện Lý Nhân được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba. Hiện toàn huyện có 10 xã được công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 13 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới diện mạo nông thôn của Lý Nhân ngày càng đổi thay đáp ứng yêu cầu đời sống của nhân dân…
 
Toản cảnh trụ sở huyện Lý Nhân
Toàn cảnh trụ sở huyện Lý Nhân. Ảnh: Văn Vương
 
     6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 37,5 triệu đồng/ người/ 6 tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,78% (giảm 0,33% so với đầu năm 2024); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,75%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,1%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định đạt 99,48%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được xử lý theo quy định đạt gần 96,6%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 70%... Công tác quốc phòng an ninh, quân sự địa phương được đảm bảo, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy góp phần tạo sự đồng thuận của Nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được coi trọng. Nhiều mô hình học và làm theo Bác đã được lan tỏa, tạo khí thế sôi nổi trong các tầng lớp Nhân dân.
 
Chế biến dưa bao tử xuất khẩu. Ảnh: Văn Vương

     Trong sự phát triển của Lý Nhân hôm nay, vẫn còn dấu tích của trận càn năm 1952, làm 32 cụ già và thanh thiếu niên Đức Bản hy sinh và trên những vết thương của những người con đã anh dũng chiến đấu vì quê hương. Người dân Lý Nhân không quên những mất mát hy sinh của những người con đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, những mất mát đau thương đã trở thành động lực để các thế hệ người dân Lý Nhân biết yêu quý trân trọng cuộc sống hòa bình, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./.

 

Ban biên tập.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập